Làm thế nào để tôi tính ra số ngày nghỉ phép thâm niên?
Máy tính trực tuyến của Chính phủ Tiểu bang Victoria giúp cho cả công nhân viên lẫn chủ nhân thuộc Đạo luật Nghỉ phép Thâm niên Năm 2018 (Đạo luật LSL 2018) tính toán ra các quyền lợi nghỉ phép thâm niên (LSL).
Quý vị sẽ được hướng dẫn để điền vào ngày làm việc và số ngày phép đã nghỉ và chỉ trong vài giây sẽ có câu trả lời.
Mặc dù câu trả lời do máy tính cung cấp là chính xác, tuy nhiên chúng tôi khuyên quý vị hãy nhờ một bên độc lập chẳng hạn như phòng lương, nghiệp đoàn hoặc cố vấn pháp lý xác minh quyền lợi LSL của mình.
Sử dụng công cụ tính toán ngày nghỉ phép thâm niên
Đạo luật LSL 2018 áp dụng cho những ai?
- Hầu hết các công nhân viên tại Tiểu bang Victoria (không bao gồm công nhân viên thuộc một số thỏa thuận doanh nghiệp Liên bang và các quy chế lao động trước cải cách và các luật lệ khác của Tiểu bang Victoria). Các diện/loại việc làm thường bao gồm: toàn thời gian, bán thời gian, phù động, theo mùa và thời hạn cố định.
- Công nhân viên thuộc các thỏa thuận thuê lao động nhất định.
Đạo luật LSL không áp dụng cho những ai?
- Đạo luật LSL 2018 có thể không áp dụng cho những công nhân viên thuộc quy chế liên bang hay theo một thoả thuận tại nơi làm việc – cá nhân hay tập thể - khi mà những quy chế hay thoả thuận này có những điều khoản riêng của nó về LSL.
- Đạo luật LSL 2018 không áp dụng đối với những công nhân viên có quyền lợi nghỉ phép thâm niên được quy định bởi một đạo luật hay điều luật khác – thí dụ như các công nhân trong ngành kiến trúc và xây dựng có ngày phép thâm niên được quy định trong chương trình CoINVEST.
Muốn biết thêm thông tin, xem Comprehensive Guide to the Victorian Long Service Leave Act 2018.
Để xác định xem một quy chế lao động hoặc thỏa thuận có áp dụng thay cho Đạo Luật LSL 2018 hay không, quý vị hãy gọi cho Fair Work Ombudsman qua số 13 13 94.
Công nhân viên phải làm việc bao nhiêu lâu mới được nghỉ phép LSL?
Công nhân viên sẽ được quyền nghỉ phép LSL sau khi đi làm được tối thiểu 7 năm 'làm việc liên tục' với 'một chủ nhân'.
Muốn biết thêm thông tin, xem: LSL Act 2018 Fact Sheet 2 - taking LSL (DOCX 237.67 KB)
Muốn biết thêm thông tin, truy cập trang Nghỉ phép Thâm niên: làm việc liên tục của chúng tôi.
Công nhân viên lấy ngày nghỉ phép LSL như thế nào?
- có thể nghỉ LSL bất kỳ khoảng thời gian nào không dưới một ngày
- công nhân viên có thể xin được nghỉ LSL khoảng thời gian gấp đôi thời gian họ được hưởng khi chỉ lãnh một nửa mức lương thường lệ của họ
- công nhân viên có thể xin được nghỉ LSL bất cứ lúc nào sau 7 năm làm việc liên tục
- chủ nhân phải chấp thuận cho nghỉ phép ngay khi có thể được theo yêu cầu của công nhân viên trừ trường hợp chủ nhân có ’lý do vì công việc' hợp lý' để từ chối yêu cầu này
- chủ nhân có thể yêu cầu công nhân viên nghỉ phép bằng cách thông báo bằng văn bản ít nhất 12 tuần. Nếu công nhân viên không muốn nghỉ phép vào thời điểm chủ nhân chọn, họ có thể nộp đơn cho Phân bộ Công Nghiệp của Tòa Sơ Thẩm.
Muốn biết thêm thông tin, xem: LSL Act 2018 Fact Sheet 2 - taking LSL (DOCX 237.67 KB)
Quý vị cũng có thể truy cập trang Có thể xin nghỉ phép thâm niên bao lâu của chúng tôi.
Tôi có thể tính toán tiền lương trả cho những ngày phép LSL như thế nào?
Cách tính toán LSL là lấy tổng số tuần đã đi làm chia cho 60 và nhân cho mức lương thường lệ mỗi tuần vào thời điểm nghỉ phép hay khi công nhân viên thôi việc.
Sử dụng công cụ tính toán ngày nghỉ phép thâm niên (LSL)
Muốn biết thêm thông tin, xem LSL Act 2018 Fact Sheet 7 - entitlement to take leave and 'ordinary pay' (DOCX 256.29 KB)
Muốn biết thêm thông tin, hãy xem trang Có thể xin nghỉ phép thâm niên bao lâu của chúng tôi.
Điều gì xảy ra khi thôi việc?
Công nhân viên có quyền nghỉ LSL sau khi đã làm việc liên tục tối thiểu 7 năm. Nếu việc làm kết thúc sau 7 năm vì bất kỳ lý do gì thì công nhân viên đó phải được trả bất kỳ quyền lợi LSL nào chưa sử dụng. Số tiền này phải được thanh toán đầy đủ vào ngày làm việc cuối cùng.
Muốn biết thêm thông tin, xem LSL Act 2018 Fact Sheet 3 - LSL and termination of employment (DOCX 169.21 KB)
Quý vị cũng có thể truy cập trang Nghỉ phép Thâm niên: thôi việc của chúng tôi.
Tác động của các loại nghỉ phép khác đối với LSL
Tất cả các hình thức nghỉ phép được trả lương sẽ được tính vào thời gian làm việc liên tục khi tính toán LSL tích luỹ. Ví dụ như: nghỉ phép thường niên, nghỉ phép người chăm sóc và nghỉ phép thâm niên.
Tuy nhiên, thời gian nghỉ phép không lương quá 52 tuần sẽ không được tính, ngoại trừ trường hợp:
- khoảng thời gian vắng mặt được coi là khoảng thời gian làm việc theo đúng thỏa thuận làm việc bằng văn bản hoặc bằng miệng liên quan
- công nhân viên và chủ nhân đồng ý bằng văn bản trước khi nghỉ phép rằng thời gian nghỉ phép này được coi là khoảng thời gian làm việc
- nghỉ phép vì bị bệnh hoặc thương tật
- nghỉ phép là bất kỳ hình thức nghỉ phép nào khác được quy định trong thỏa thuận việc làm liên quan bằng văn bản hoặc bằng miệng.
Muốn biết thêm thông tin, xem LSL Act 2018 Fact Sheet 6 - accrual of LSL - impact of leave, absences and interruptions (DOCX 236.63 KB)
Muốn biết thêm thông tin và ví dụ về tác động của các loại nghỉ phép khác đối với LSL, quý vị cũng có thể truy cập trang Nghỉ phép Thâm niên: làm việc liên tục của chúng tôi.
Còn những công nhân viên làm việc phù động hay theo mùa thì thế nào?
Đạo luật LSL 2018 quy định rằng công nhân viên làm việc toàn thời gian, bán thời gian, phù động (casual), theo mùa và thời hạn cố định sẽ được hưởng LSL nếu họ làm việc 'liên tục'. Theo Đạo luật LSL 2018, điều này có nghĩa là thời gian nghỉ giữa bất kỳ hai đợt làm việc nào không quá 12 tuần, trừ trường hợp:
- công nhân viên và chủ nhân đã đồng ý trước khi bắt đầu nghỉ làm
- trường hợp nghỉ làm là theo đúng các điều khoản của việc làm
- trường hợp nghỉ làm là vì lý do mùa vụ
- công nhân viên đã được tuyển dụng trên cơ sở đều đặn và có hệ thống và có lý do hợp lý để nghĩ rằng mình sẽ được tái tuyển dụng.
Nhà thầu độc lập so với công nhân viên?
Nhà thầu độc lập thực thụ thì không phải là công nhân viên và thường không hội đủ điều kiện đối với LSL theo Đạo luật LSL 2018. Tuy nhiên, việc cá nhân có thực sự là nhà thầu độc lập hay là công nhân viên thì cần phải được đánh giá theo từng trường hợp.
Để đánh giá xem cá nhân có phải là nhà thầu độc lập thực thụ hay là công nhân viên, quý vị có thể nói chuyện với Đường dây thường trực Liên bang về Nhà thầu độc lập qua số 1300 667 850.
Chủ doanh nghiệp thường không phải là công nhân viên và không hội đủ điều kiện đối với LSL theo Đạo luật LSL 2018.
Muốn biết thêm thông tin, xem LSL Act 2018 Fact Sheet 4 - LSL casual and seasonal employees (DOCX 235.73 KB)
Quý vị cũng có thể đọc ví dụ về cách tính ngày nghỉ phép thâm niên của chúng tôi.
Trường hợp doanh vụ được bán đi thì sao?
Nếu một doanh vụ được bán đi và người chủ mới thu dụng những công nhân viên của chủ cũ, người chủ mới này sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ khoảng thời gian hoạt động của doanh vụ.
Để có thể bảo đảm cho giá trị các quyền lợi của công nhân viên, nhiều khi người ta lập ra các quỹ tín thác hay trách nhiệm này sẽ được gộp vào giá bán của doanh vụ.
Bất kể những sắp xếp là như thế nào, chủ doanh nghiệp mới sẽ tự động chịu trách nhiệm về thời gian làm việc của công nhân viên với người chủ cũ và chính họ. Nếu người chủ mới không công nhận thời gian làm việc với chủ cũ và không trả đúng mức những ngày nghỉ phép thâm niên cho công nhân viên, họ sẽ bị coi là vi phạm Đạo luật LSL 2018. Việc vi phạm Đạo luật LSL 2018 là một tội phạm hình sự và chủ nhân có thể bị phạt và bị kết án hình sự và phải chịu các phí tổn và hình phạt khác.
Bất kỳ quyền lợi LSL nào với người chủ cũ sẽ không được người chủ cũ trả tiền mặt cho công nhân viên.
Muốn biết thêm thông tin, xem LSL Act 2018 Fact Sheet 5 - 'one employer' (DOCX 235.8 KB)
Muốn biết thêm thông tin, quý vị cũng có thể truy cập trang Nghỉ phép Thâm niên: đổi chủ nhân của chúng tôi.
Công nhân viên có thể xin trả tiền cho những ngày phép LSL của họ được không?
LSL không thể được ‘đổi ra thành tiền’ – việc trả hay nhận tiền thay vì thực sự lấy ngày nghỉ làm việc là một vi phạm theo Đạo luật LSL 2018.
Muốn biết thêm thông tin, truy cập trang Có thể xin nghỉ phép thâm niên bao lâu của chúng tôi.
Việc vi phạm Đạo luật LSL 2018 có bị phạt hay không?
Có, vi phạm Đạo luật LSL 2018 sẽ bị phạt hình sự.
Đạo luật LSL 2018 đặt ra các tội danh, bao gồm theo mục 9(2) khi chủ nhân không trả quyền lợi LSL cho công nhân viên vào ngày họ nghỉ việc. Viên chức thẩm quyền của Bộ có thể khởi tố vì vi phạm Đạo luật LSL 2018. Hình phạt đối với tội dành này là 12 đơn vị phạt đối với thể nhân (natural person) và 60 đơn vị phạt đối với công ty. Hình phạt có thể áp dụng cho mỗi ngày trong thời gian tiếp tục vi phạm.
Giá trị của một đơn vị phạt thay đổi theo thời gian và được cập nhật vào ngày 1 tháng 7 mỗi năm. Từ ngày 1 tháng 7 năm 2018, một đơn vị phạt là $161.19 – có nghĩa là khoản phạt 12 đơn vị phạt là $1,934.28, và 60 đơn vị phạt là $9,671.40.
Nếu chủ nhân bị kết tội vi phạm này, điều đó có thể bị ghi vào hồ sơ án hình sự.
Công nhân viên hoặc đại diện riêng của họ có thể tìm cách đòi các quyền lợi chưa thanh toán bằng cách làm đơn truy đòi dân sự nộp lên Phân bộ Công nghiệp, Tòa Sơ thẩm trong vòng 6 năm kể từ ngày làm việc của họ kết thúc.
Các tội danh khác
Hành động bất lợi
Ngoài ra còn có hình phạt đối với chủ nhân có hành động bất lợi đối với công nhân viên của họ liên quan đến LSL.
Theo định nghĩa, hành động bất lợi bao gồm sa thải công nhân viên, thay đổi công việc làm của công nhân viên gây thiệt hại cho họ, hoặc phân biệt đối xử với công nhân viên. Theo Đạo Luật LSL 2018, Chủ nhân sẽ phạm luật nếu có hành động bất lợi đối với công nhân viên bởi vì:
- công nhân viên được hưởng quyền lợi theo Đạo luật này
- công nhân viên tìm cách thực hiện quyền lợi theo Đạo luật này
- công nhân viên hỏi về quyền lợi của họ theo Đạo luật này
- công nhân viên nộp đơn khiếu nại lên Tòa Sơ thẩm về chỉ thị buộc nghỉ phép LSL.
Ngoài ra, việc đưa ra các tuyên bố sai lệch hoặc gây ngộ nhận về quyền lợi LSL của công nhân viên cũng là phạm luật.
Tòa có thể đưa ra những hình phạt nặng và các lệnh đối với chủ nhân đã có hành động bất lợi, bao gồm trả tiền lương lên đến 52 tuần.
Muốn biết thêm thông tin, xem Nghỉ phép Thâm niên: hình phạt khi vi phạm.
Không lưu giữ hồ sơ theo Đạo luật LSL 2018
Chủ nhân phải lưu giữ hồ sơ chính xác về LSL của công nhân viên trong toàn bộ thời gian họ làm việc và lưu giữ trong ít nhất bảy năm sau khi việc làm đã chấm dứt.
Hồ sơ phải được lưu giữ dưới hình thức (nếu có) đã được quy định bởi các điều luật trong Đạo Luật LSL 2018.
Đạo luật Fair Work Act 2009 (Công bằng Việc làm 2009) (Đạo luật FW), áp dụng với tất cả các doanh nghiệp tại Tiểu bang Victoria, cũng buộc phải lưu giữ hồ sơ việc làm và phát phiếu lương cho công nhân viên.
Không lưu giữ hồ sơ theo cách thức đã được quy định trong Đạo luật LSL 2018 là trái luật. Hình phạt đối với trường hợp phạm luật này là 12 đơn vị phạt đối với thể nhân (natural person), và 60 đơn vị phạt đối với công ty. Nếu chủ nhân bị kết tội vi phạm luật này, điều đó có thể được ghi vào hồ sơ án hình sự.
Chủ nhân không được từ chối khi công nhân viên yêu cầu cung cấp hồ sơ nghỉ phép thâm niên của họ. Hình phạt đối với trường hợp phạm luật này là 12 đơn vị phạt đối với thể nhân (natural person), và 60 đơn vị phạt đối với công ty.
Muốn biết thêm thông tin, truy cập trang Nghỉ phép Thâm niên: hình phạt khi vi phạm của chúng tôi.
Tôi có nên đưa LSL vào dòng tiền mặt của tôi hay không?
Việc bảo đảm cho dòng tiền mặt của quý vị được tính toán chính xác là một trong những bước quan trọng nhất để bảo đảm cho doanh nghiệp được thành công. Hãy bảo đảm đưa LSL của công nhân viên vào dự đoán dòng tiền mặt để quý vị không lâm vào tình trạng thiếu hụt.
Hoạch định trước và chuẩn bị để có dự báo dòng tiền mặt của quý vị.
Tôi có phải lưu giữ hồ sơ đầy đủ về LSL hay không?
Chủ nhân không duy trì hồ sơ là phạm luật. Ngoài ra việc đưa ra một tuyên bố sai lạc hoặc gây ngộ nhận trong hồ sơ cũng là phạm luật.
Chủ nhân không được từ chối khi công nhân viên yêu cầu cung cấp hồ sơ LSL của họ. Hình phạt đối với trường hợp phạm luật này là 12 đơn vị phạt đối với thể nhân (natural person), và 60 đơn vị phạt đối với công ty.
Nhân viên thẩm quyền có thể yêu cầu cá nhân cung cấp thông tin hoặc giấy tờ để họ theo dõi và thực thi việc tuân thủ Đạo luật LSL 2018. Theo một số các luật lệ nhất định, việc không cung cấp thông tin hoặc giấy tờ mà nhân viên thẩm quyền đã yêu cầu theo LSL Act 2018 là tội phạm hình sự. Việc xuất trình giấy tờ giả mạo cũng là tội hình sự.
Tờ thông tin về Đạo luật Nghỉ phép Thâm niên năm 2018
Những tờ thông tin này chỉ là bản tóm tắt mà thôi và phải đọc chung với thông tin chi tiết hơn bao gồm Comprehensive Guide to the Victorian Long Service Leave Act 2018 bản đã được sửa đổi và Đạo luật Nghỉ phép Thâm niên Năm 2018 để xác định xem đạo luật này có áp dụng cho hoàn cảnh riêng của quý vị hay không.
- LSL Act 2018 Fact Sheet Index (DOCX 237.41 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 1 - the basics (DOCX 238.44 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 2 - taking LSL (DOCX 237.67 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 3 - LSL and termination of employment (DOCX 169.21 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 4 - LSL casual and seasonal employees (DOCX 235.73 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 5 - 'one employer' (DOCX 235.8 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 6 - accrual of LSL - impact of leave, absences and interruptions (DOCX 236.63 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 7 - entitlement to take leave and 'ordinary pay' (DOCX 256.29 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 8 - record keeping (DOCX 238.54 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 9 - penalties and enforcement (DOCX 235.56 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 10 - parental leave (DOCX 238.32 KB)
- LSL Act 2018 Fact Sheet 11 - interaction between the LSL Act 2018 (Vic) and other LSL legislation (DOCX 238.04 KB)
Dịch vụ Thông tin Nghỉ phép Thâm niên Doanh nghiệp Nhỏ
Nếu quý vị sở hữu, đang tính chuyện mua hay khởi sự một doanh nghiệp có dưới 20 công nhân viên, quý vị có thể được Dịch vụ Thông tin Nghỉ phép Thâm niên Doanh vụ nhỏ (Long Service Leave Small Business Information Service) (LSLSBIS) của chúng tôi giúp đỡ.
LSLSBIS sẽ cung cấp thông tin và cố vấn trực diện về trách nhiệm của quý vị theo Đạo luật Nghỉ phép Thâm niên Victoria.
Muốn sử dụng chương trình này, hãy liên lạc với Wage Inspectorate Victoria (Nha Giám sát Lương bổng Tiểu bang Victoria) bằng cách gọi điện cho họ số 1800 287 287 hoặc gửi email cho họ.